Friday, August 9, 2013

Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH: Những Ngày Cuối Cùng






VƯƠNG HỒNG ANH/ Việt Báo
Quân đội VNCH anh hùng.
Lời tòa soạn: Trong tinh thần tưởng niệm "Ngày 30-4-1975", VB trân trọng giới thiệu bài tổng hợp về một số sự kiện quan trọng xảy ra trong những ngày cuối tháng 4/1975.

Bài này được biên soạn dựa theo các tài liệu sau đây: hồi ký của cựu Đại tướng Cao Văn Viên do Trung tâm Quân sử Lục quân Hoa Kỳ phổ biến; hồi ký của cựu Trung tướng Trần Văn Đôn, Tổng trưởng Quốc phòng cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa; một số bài viết của các nhân chứng, từng giữ các chức vụ trọng yếu trong Chính phủ và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, và tài liệu riêng của Việt Báo.

* Đại tướng Cao Văn Viên, những giờ cuối cùng tại Bộ Tổng Tham Mưu Quân lực VNCH

Theo lời kể của cựu Trung tướng Trần Văn Đôn ghi lại trong Việt Nam Nhân Chứng, trước lễ bàn giao chức vụ Tổng thống VNCH diễn ra vào buổi chiều 28/4/1975, thì vào 8 giờ sáng ngày 28 tháng 4, Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng Trần Văn Đôn đã đến văn phòng Tổng tham mưu trưởng như thường lệ gặp Đại tướng Cao Văn Viên để theo dõi tình hình quân sự. (Theo tài liệu ghi trong Quân sử VNCH, vào năm 1955, ông Trần Văn Đôn là Thiếu tướng Tham mưu trưởng Bộ Tổng Tham mưu, ông Cao Văn Viên là Thiếu tá, giữ chức vụ Trưởng phòng 4 Bộ Tổng Tham mưu).

Trong cuộc gặp nói trên, Đại tướng Cao Văn Viên nhắc với Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng Trần Văn Đôn rằng Tổng thống Trần Văn Hương đã ký sắc lệnh cho ông nghỉ, do đó, ông yêu cầu cựu Trung tướng Đôn với chức danh là Tổng trưởng Quốc phòng, cử người thay thế. Ngay lúc đó, có điện thoại của ông Dương Văn Minh gọi cho Phó thủ tướng Trần Văn Đôn, dặn ông cố gắng giữ Đại tướng Viên ở lại chức vụ Tổng Tham mưu trưởng, đừng cho Đại tướng Viên đi.

Trước sự việc như thế, Tổng trưởng Quốc phòng Trần Văn Đôn không biết xử sự làm sao vì Tướng Viên đã được Tổng thống Trần Văn Hương cho nghỉ ( sắc lệnh này được Tổng thống Trần Văn Hương công bố vào chiều ngày 28/4/1975). Cựu Trung tướng Trần Văn Đôn hỏi Đại tướng Cao Văn Viên:
-Nếu anh đi, thì theo anh ai sẽ thay thế được?

Đại tướng Cao Văn Viên không trả lời thẳng mà hỏi lại cựu Trung tướng Trần Văn Đôn:
-Anh sẽ làm gì ?

Cựu Trung tướng Trần Văn Đôn trả lời:
-Tôi cũng chưa quyết định. Mấy ngày trước ông Minh và ông Mẫu muốn tôi tiếp tục giữ ghế Tổng trưởng Quốc phòng nhưng tôi chưa trả lời, nay ông Minh cho tôi biết Hà Nội không muốn có người nào trong nội các cũ ở lại trong nội các mới."

Về lại văn phòng, cựu Trung tướng Trần Văn Đôn nhận được điện thoại của ông Dương Văn Minh hủy bỏ sắc lệnh mà Tổng thống Trần Văn Hương đã ký cho phép Đại tướng Cao Văn Viên nghỉ dài hạn không lương, nhưng sắc lệnh đó Tổng thống Trần Văn Hương đã ký trước khi bàn giao chức vụ Tổng thống.

* Chức vụ Tổng tham mưu trưởng Quân lực VNCH vào những ngày cuối tháng 4

Về chức vụ Tổng Tham mưu trưởng Quân lực VNCH, sau khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức vào tối 21 tháng 4/1975, và sau cuộc rút quân khỏi Xuân Lộc, Đại tướng Cao Văn Viên không còn thiết tha với chức vụ Tổng tham mưu trưởng Quân lực VNCH, trong khi đó, tân Tổng Thống Trần Văn Hương lại muốn bổ nhiệm Đại tướng Cao Văn Viên làm Tổng tư lệnh Quân đội với đầy đủ quyền hạn, so với chức vụ Tổng Tham mưu trưởng mà Đại tướng Viên đã nắm giữ từ tháng 10/1965.

Thế nhưng, như đã trình bày ở phần trên, Đại tướng Cao Văn Viên đã trình xin Tổng Thống Trần Văn Hương cho ông được giải nhiệm. Tổng thống Trần Văn Hương không đồng ý và yêu cầu Đại tướng Viên tiếp tục giữ chức vụ. Chỉ đến khi Tổng Thống Trần Hương trao quyền cho ông Dương Văn Minh thì Đại tướng Cao Văn Viên mới nhận được quyết định giải nhiệm.

Kể lại chuyện này, Đại tướng Cao Văn Viên ghi trong hồi ký như sau: "Trước khi Tổng Thống Hương bước xuống, Tổng Thống đưa ra một sắc lệnh giải nhiệm tôi khỏi chức vụ Tổng Tham mưu trưởng Bộ Tổng Tham Mưu. Đến khi tân Tổng Thống (cựu Đại tướng Dương Văn Minh) muốn chọn người thay thế tôi, tôi đề nghị Tướng Đồng Văn Khuyên, lúc ấy đang giữ chức Tham mưu trưởng Bộ Tổng Tham mưu kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Tiếp vận".

* Bộ Tổng Tham Mưu QL.VNCH, những giờ cuối cùng

Trưa ngày 29 tháng 4/1975, các vị tướng có thẩmquyền tại Bộ Tổng tham mưu Quân lực VNCH đã ra đi. Đại tướng Cao Văn Viên rời Việt Nam từ chiều 28/4/1975 cùng với Chuẩn tướng Thọ (trưởngphòng 3); Trung tướng Đồng Văn Khuyên, Tham mưu trưởng Liên quân Bộ Tổng tham mưu kiêm Tổng cục trưởng Tiếp vận rời Bộ Tổng Tham mưu từ trưa ngày 29/4/1975. Trung tướng Nguyễn Văn Minh, được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bổ nhiệm giữ chức vụ Tư lệnh Biệt Khu Thủ Đô vào cuối tháng 3/1975, cũng đã ra đi. ( Giữa năm 1968, Tướng Nguyễn Văn Minh đã giữ chức vụ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô lần thứ 1; đến năm 1971, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Tư lệnh Quân đoàn 3/Quân khu 3 thay thế Trung tướng Đỗ Cao Trí tử nạn; từ tháng 11/1973 đến tháng 3/1975, ông lần lượt giữ các chức vụ: Chỉ huy trưởng Trường Bộ Binh, Tổng thanh tra Quân đội).

Trước tình trạng nhiều vị tướng lãnh đã "từ nhiệm", tân Tổng thống Dương Văn Minh đã cử một số tướng lãnh và cựu tướng lãnh giữ các chức vụ trọng yếu: Trung tướng Vĩnh Lộc giữ chức Tổng Tham mưu trưởng; Nguyễn Hữu Hạnh, Chuẩn tướng, đã về hưu từ tháng4/1974, làm Phụ tá Tổng tham mưu trưởng; cựu Thiếu tướng Lâm Văn Phát, được cử làm Tư lệnh Biệt khu Thủ Đô; chuẩn tướng Lê Văn Thân, nguyên Tư lệnh phó Quân khu 2,làm Tư lệnh phó phụ giúp Tướng Lâm Văn Phát; Chuẩn tướng Nguyễn Văn Chức, nguyên Cục trưởng Công binh, Thứ trưởng Định cư trong Nội các Nguyễn Bá Cẩn, giữ chức Tổng cụctrưởng Tiếp vận. Sau khi nhận chức Tổng tham mưu trưởng, chiều 29/4/1975, Trung tướng Vĩnh Lộc đã triệu tập một cuộc họp với các tướng lãnh và sĩ quan cao cấp đang còn ở lại Sài Gòn tại phòng họp bộ Tổng Tham Mưu và yêu cầu "mọi người đừng bỏ đi, hãy ở lại để làm việc với tất cả trách nhiệm".

Về tình hình chiến sự, từ sáng sớm ngày 30 tháng 4, tại các mặt trận quanh Sài Gòn và Biên Hòa, các đơn vị của Sư đoàn 5BB, Sư đoàn 18BB, Lữ đoàn 3 Thiết kỵ, các đơn vị Dù, Thủy quân Lục chiến, Biệt động quân... đều đặt trong tình trạng sẵn sàng ứng chiến để chận đánh Cộng quân. Tại Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô, Thiếu tướng Lâm Văn Phát từ sáng sớm đã dùng trực thăng bay quan sát tình hình, vừa đáp xuống bộ Tư lệnh ông gọi máy liên lạc với Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Tần, sĩ quan cao cấp nhất của Không quân vào lúc đó. Tướng Phát yêu cầu Tướng Tần cho các phi tuần khu trục liên tục oanh kích Cộng quân đang chuyển quân dọc theo con đường từ ngả tư Bảy Hiền lên đến Hóc Môn.

Trong khi các đơn vị VNCH đang nỗ lực đẩy lùi Cộng quân ra khỏi Bộ Tổng Tham mưu, thì vào 10 giờ 15 phút (theo ghi nhận của cựu đại tá Phạm Bá Hoa, nguyên Tham mưu trưởng Tổng cục Tiếp Vận, có mặt tại Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô sáng 30/4/1975 và nghe đài Sài Gòn vào giờ phút đó), Tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh cho Quân lực Việt Nam Cộng Hòa ngưng chiến. Trước đó vài phút, chiến đoàn Biệt Cách Nhảy Dù đang tung các đợt phản công để đánh bật địch quanh vòng đai Bộ Tổng Tham Mưu.

Khi nhận được lệnh ngưng bắn, Thiếu tá Phạm Châu Tài, chiến đoàn trưởng Biệt Cách Nhảy Dù đã lấy xe jeep vào Bộ Tổng Tham Mưu, ông được anh em binh sĩ gác cổng cho biết là Trung tướng Vĩnh Lộc, Tân Tổng Tham mưu trưởng, đã ra đi lúc 6 giờ sáng, tất cả tướng lãnh và các đại tá đã họp với Thiếu tá Tài về kế hoạch phòng thủ Tổng hành dinh Bộ Tổng Tham mưu trong đêm 29/4/1975, cũng không còn ai.

Trước tình hình đó, Thiếu tá Tài đã bốc điện thoại quay số gọi về văn phòng Tổng Tổng phủ, gặp Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh ở đầu giây. Ông Hạnh hỏi Thiếu tá Tài là ai? Vị chiến đoàn trưởng đã trả lời:
- "Tôi là chiến đoàn trưởng Biệt cách Nhảy Dù đang trách nhiệm bảo vệ bộ Tổng tham mưu, tôi xin được gặp Tổng thống".

Vài giây sau, thiếu tá Tài nghe tiến ông Dương Văn Minh nói ở đầu máy:
- "Đại tướng Dương Văn Minh nghe đây, có chuyện gì đó?"

Thiếu tá Tài trình bày:
- "Tôi đang chỉ huy cánh quân tử chiến với Cộng quân ở Bộ Tổng Tham mưu thì có lệnh ngưng bắn, nhưng Cộng quân vẫn tiến vào, tôi đã liên lạc với bộ Tổng Tham mưu nhưng không có ai, nên muốn nói chuyện với Tổng thống là Tổng Tư lệnh Tối cao của Quân đội để xin quyết định.

Tướng Minh trả lời:
- "Các em chuẩn bị bàn giao đi!",

Thiếu tá Tài ngạc nhiên hỏi lại:
- "Bàn giao là như thế nào thưa đại tướng, có phải là đầu hàng không?"

Tướng Minh đáp:
- "Đúng vậy, ngay bây giờ xe tăng Việt Cộng đang tiến vào Dinh Độc Lập".

Nghe Tướng Minh cho biết như vậy, Thiếu tá Tài nói ngay:
- "Nếu xe tăng Việt Cộng tiến vào dinh Độc Lập, chúng tôi sẽ đến cứu Tổng thống".

Tướng Minh suy nghĩ, Thiếu tá Tài nói tiếp:
- "Tổng thống phải chịu trách nhiệm trước 2 ngàn cảm tử quân đang tử chiến với Cộng quân ở Bộ Tổng Tham mưu."

Tướng Minh trả lời:
- "Tùy các anh em".

Theo lời Thiếu tài Tài, sau này, khi bị CQ giam trong trại tù, ông đã gặp Trung tá Võ Ngọc Lan, Liên đoàn trưởng Liên đoàn phòng vệ Tổng thống phủ. Trung tá Lan nói với Thiếu tá Tài:
- Lúc đó, moa đứng cạnh Tướng Minh, moa nghe toa nói vào cứu Tổng thống.

Thiếu tá Tài giải thích:
- Tổng thống là vị lãnh đạo tối cao của Quân lực, phải cứu ông ra để có người chỉ huy quân đội.

VƯƠNG HỒNG ANH


No comments:

Post a Comment